Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hay còn gọi là “trào ngược axit”, là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, thanh quản… Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, thường là sau ăn. Với đặc tính dễ mắc, khó chữa, trào ngược dạ dày thực quản có thể tiến triển nặng và gây ra những hệ quả khó hồi phục nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch tiêu hóa của dạ dày (bao gồm: thức ăn, dịch vị, hơi…) đi ngược lên thực quản, có thể là họng, thanh quản…

Trào ngược dạ dày là gì?

Theo tự nhiên, thức ăn sẽ từ miệng đi xuống thực quản, cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn đi xuống dạ dày. Sau đó cơ vòng sẽ tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch vị trào ngược trở lại. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, cơ vòng hoạt động không hiệu quả dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, khiến việc đóng mở không đúng và trào ngược xảy ra.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ người già, trung niên, thanh niên, trẻ nhỏ… và đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chủ yếu thường xảy ra do 2 yếu tố:

  • Yếu tố khách quan: Những người gặp vấn đề về cơ vòng thực quản, bị thoát vị hoành, liệt dạ dày, hay bệnh lý mô liên kết… Phụ nữ mang thai, thường ở những tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển lớn sẽ chèn ép lên một số bộ phận tiêu hóa dẫn đến trào ngược. Người phải sử dụng một số nhóm thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm…

Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, yếu tố bẩm sinh có thể là nguyên nhân dẫn tới việc trẻ dễ nôn trớ và ợ… do các cơ quan chưa được hoàn thiện. Đa phần các triệu chứng sẽ giảm hoặc hết hoàn toàn khi trẻ lớn mà không cần sự can thiệp từ bác sĩ. Với những trẻ có biểu hiện nặng cần đi thăm khám và tuân thủ chỉ định từ bác sĩ.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày

  • Yếu tố chủ quan: Những người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, nước ngọt, đồ nhiều gia vị (chua, cay…), ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, lười vận động, nằm ngay sau ăn, ăn uống thất thường… là nhóm có nguy cơ bị trào ngược rất cao. Người hút thuốc lá hoặc thường xuyên căng thẳng, stress kéo dài cũng dễ khiến niêm mạc dạ dày chịu kích thích, cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm, việc giãn mở xảy ra thường xuyên và làm dịch vị trào ngược lên thực quản.

Các biểu hiện thường gặp của trào ngược dạ dày thực quản

Với nhiều biểu hiện bệnh, trào ngược dạ dày thực quản rât dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh lý khác. Hoặc ở một số người, các biểu hiện diễn ra không rõ ràng hay có ít… người bệnh thường không phát hiện ra bệnh ở giai đoạn đầu, tới khi bệnh trở nặng hoặc có biến chứng mới phát hiện, việc điều trị lúc này trở nên khó khăn hơn.

Biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Khi thấy bản thân có nhiều dấu hiệu tương ứng với các triệu chứng dưới đây hoặc các triệu chứng kéo dài một thời gian, bạn nên cảnh giác mình đã mắc trào ngược thực quản:

  • Đầy bụng: Khi hệ tiêu hóa hoạt động kém, thức ăn thường xuyên ứ trệ, lên men sinh khí gây nên tình trạng bụng đầy trướng cho người bệnh
  • Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng: Khi khí ở trong cơ thể quắ nhiều, không thể đẩy hết theo đường hậu môn sẽ theo trào ngược đẩy lên trên gây ợ. Vị chua, nóng là đặc tính của axit dạ dày.
  • Buồn nôn, nôn: Khi xảy ra trào ngược, axit đi lên tiếp xúc với niêm mạc họng hoặc miệng, kích thích gây cảm giác buồn nôn, nôn.
  • Miệng tiết nhiều nước bọt: Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm trung hòa bớt lượng axit trào lên
  • Đau thượng vị: Cơn đau ở vùng thượng vị (trên rốn, dưới mũi xương ức) dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh tim mạch.
  • Họng vướng mắc, nghẹn, khó nuốt: Khi axit dạ dày thường xuyên tiếp xúc với niêm mạc họng sẽ gây phù nề, sưng niêm mạc thực quản gây vướng mắc. Lâu ngày có thể tạo sẹo, sẹo dày làm hẹp đường kính thực quản, gây khó nuốt, nghẹn cho người bệnh.
  • Ho kéo dài, viêm họng mạn: Axit dạ dày đi lên trên họng sẽ làm biến đổi môi trường tại đây, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công xâm nhập gây viêm họng, khan tiếng…
  • Khó thở: Khi axit trong dịch vị dạ dày trào lên thực quản kéo dài sẽ kích thích, làm tổn thương tới niêm mạc thực quản, tạo áp lực chèn ép lên cả khí quản. Trường hợp axit gây viêm loét thực quản, hệ thống các dây thần kinh tại niêm mạc thực quản sẽ tác động đến các khối cơ vùng lồng ngực, xuất hiện phản xạ co rút, chèn ép trực tiếp lên đường thở, gây khó thở.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra những biến chứng gì?

Với đặc tính ăn mòn mạnh của axit dạ dày, khi trào ngược xảy ra liên tục, lớp niêm mạc các cơ quan thực quản, họng, thanh quản… vốn mỏng manh sẽ không chiu được tác động mà bị tổn thương sưng, phù nề, thậm chí biến đổi… gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh.

Biến chứng của trào ngược dạ dày

  • Viêm thực quản là biến chứng phổ biến thường gặp ở 50% bệnh nhân trào ngược dạ dày.
  • Hẹp thực quản: Trong quá trình trào ngược, axit dạ dày trào lên thực quản sẽ ăn mòn lớp niêm mạc dẫn đến viêm thực quản. Trào ngược kéo dài và với tần suất cao sẽ khiến thực quản bị những tổn thương không thể phục hồi, hình thành nên các mô sẹo. Các mô sẹo này thu hẹp lòng thực quản.
  • Thực quản Barrett: Xảy ra ở 8-15% người bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài. Đây là tình trạng mô vảy ở đoạn dưới thực quản bị biến đổi thành mô dạng cột với các tế bào giống như ở ruột (dị sản ruột) và là kết quả của sự tổn thương liên tục đến lớp lót của thực quản do trào ngược gây nên.
  • Ung thư thực quản – biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày: Ước tính cứ 10 – 20 người có thực quản Barrett thì có 1 người bị ung thư thực quản sau 10 – 20 năm.

Trào ngược dạ dày điều trị như thế nào?

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm các phương pháp thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác. Tùy mức độ bệnh mà bệnh nhân có thể thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Quan trọng nhất để việc điều trị có hiệu quả là người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ trong khi sử dụng thuốc. Tránh tự ý điều trị, dùng không theo hướng dẫn hoặc sử dụng các phương thuốc không rõ nguồn gốc. Song song với biện pháp dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần duy trì một chế độ ăn uống, thói quen lành mạnh để hạn chế tối đa các tác nhân khiến dạ dày tăng tiết axit, tạo điều kiện cho trào ngược bùng phát.

– Nên lựa chọn những thực phẩm có khả năng trung hòa acid như bánh mì, bột yến mạch, đỗ đậu, thịt lợn nạc, thịt ngan,…
– Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết acid như hoa quả chua (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay nóng, socola…
– Không nên ăn quá no hoặc ăn quá khuya, nên dừng ăn khoảng 3-4 tiếng trước khi đi ngủ.
– Không nằm ngay sau khi ăn
– Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá
– Không nên mặc quần áo quá chật
– Khi ngủ cần nằm cao đầu khoảng 15cm so với chân
– Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì…

Trong trường hợp sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật: Phẫu thuật để gia cố cơ vòng thực quản dưới; Phẫu thuật để siết chặt cơ vòng dưới thực quản… Tuy nhiên, dù phẫu thuật thành công mà về sau người bệnh vẫn có một chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh thì nguy cơ tái lại trào ngược dạ dày thực quản  rất cao.

Do đó, hãy luôn lưu ý tới những gì bạn ăn hàng ngày, lựa chọn thực phẩm phù hợp, duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó, ngay khi nhận thấy bất thường về vấn đề tiêu hóa, hãy thăm khám cẩn thận để được chẩn đoán đúng, điều trị sớm nhằm đạt kết quả cao và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

 

 

 

Hotline 1800.0097